- Mùa hè thời tiết oi bức là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh hoành hành, bùng phát các loại dịch bệnh, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Để nâng cao chất lượng cuộc sống chúng ta cần chủ động phòng ngừa ngộ độc xảy ra.
1. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Có rất nhiều nguyên nhân:
- Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng: Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn; do virus; do ký sinh trùng; do nấm độc và nấm men.
- Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…). Các chất này thường không bị phá huỷ hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.
- Ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như: cá nóc, cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu….
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hoá học: Do ô nhiễm kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ.
2. Cách nhận biết người bị ngộ độc thực phẩm.
- Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau 24 giờ), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), khó thở, mệt mỏi…
3. Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm.
- Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhẹ, người bệnh thường khỏi trong vòng 48 giờ mà không cần nhập viện điều trị. Người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Kích thích cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào.
- Sau khi nôn để bệnh nhân nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước do nôn, mửa tiêu chảy. Bù nước cho cơ thể bằng chất điện giải như Orezol (pha theo hướng dẫn ghi trên bao bì) hoặc nếu không có sẵn orezol thì có thể pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để chống mất nước cho cơ thể.
- Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, ăn đồ ăn nhẹ, dễ tiêu: ruột bánh mì, sữa, nước cháo,… để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.
Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng sau cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Nôn nhiều lần trong ngày và không kiểm soát được tình trạng nôn.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
- Đi ngoài phân lỏng 3lần/ngày.
- Đau bụng quặn từng cơn.
- Sốt trên 380C.
- Có dấu hiệu hoặc triệu chứng của mất nước như: khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, mệt mỏi nghiêm trọng, chóng mặt hoặc hoa mắt.
- Xuất hiện các triệu chứng thần kinh: nhìn mờ, yếu cơ, cảm giác kiến bò, tê bì ở tay, chân.
4. Biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Lựa chọn những thực phẩm còn tươi, không bị dập nát, thay đổi màu sắc, có mùi lạ,… Nên sử dụng các loại thịt đã qua kiểm dịch, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi chuẩn bị chế biến thức ăn. Chế biến phải sạch sẽ và an toàn, nấu chín trước khi ăn. Nếu để lâu quá 2 giờ thì trước khi ăn phải đun lại.
- Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín và không để thực phẩm lẫn với các chất độc hại.
- Nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng kín để tránh các loài côn trùng. Loài gặm nhấm,… bởi chúng thường mang các vi sinh vật gây bệnh.
- Các thức ăn thừa nên được bảo quản trong tủ lạnh và sau 1-2 ngày thì không nên ăn nữa vì vi khuẩn có thể sinh sản trong đó.
- Thức ăn trong tủ lạnh cần được bảo quản trong hộp kín, bọc màng nilông để tránh mùi, tránh nhiễm khuẩn sang những loại thức ăn khác.
- Giữ khu vực bếp, dụng cụ chế biến, bát, đĩa, xoong nồi đựng thức ăn cần phải sạch sẽ và khô ráo.
- Hàng tuần thường xuyên vệ sinh tủ lạnh và kiểm tra thực phẩm trong tủ lạnh, cần loại bỏ các thực phẩm có dấu hiệu: nấm mốc, ôi thiu,…
Thực phẩm luôn có ý nghĩa quan trọng đối với sức khoẻ con người, sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, không an toàn đều có thể bị ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn và các biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và mọi người trong cộng đồng./.